0916.434.429 - 0996.161.686
Cùng Con Phát Triển

Hướng dẫn chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi

Hướng dẫn chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi
Hướng dẫn chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi giúp bé chăm ăn chóng lớn, ngủ ngoan và có được sự hỗ trợ tốt để phát triển vận động, phát triển trí não.

Trẻ 4 tháng tuổi lúc này đã bước vào một giai đoạn phát triển mới, đánh dấu những mốc đầu tiên trong sự phát triển về vận động của em bé. Ba mẹ sẽ cần những biện pháp để hỗ trợ giúp con mình phát triển vận động và phát triển trí não tốt hơn. Dinh dưỡng và giấc ngủ là những yếu tố hết sức quan trọng để con có đủ điều kiện phát triển về thể chất.

Dinh dưỡng cho trẻ 4 tháng tuổi

Chú trọng việc kéo dài khoảng cách giữa các cữ bú ra, tăng lượng sữa mỗi cữ lên. Từ 3,5 – 4h đồng hồ thì cho bé ăn sữa 1 lần, mỗi cữ khoảng 150 – 170ml sữa. như vậy ban ngày bé sẽ có khoảng 5 – 6 cữ sữa, ban đêm giấc ngủ của bé lúc này đã dài hơn nên chỉ cần 1 cữ sữa là đủ. Không cần đánh thức bé dậy để bú nhiều lần.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi (1)


Tổng lượng sữa đủ cho bé 4 tháng tuổi mỗi ngày tính theo công thức:

Từ 120 – 150ml sữa/kg cân nặng/ngày

Giấc ngủ của bé 4 tháng tuổi

Trẻ 4 tháng tuổi cần ngủ khoảng 14 – 16 tiếng/ngày nhưng có đặc điểm là ban ngày bé ngủ ít đi so với giai đoạn trước và giấc ngủ ban đêm thì kéo dài ra hơn. Giấc ngủ đêm của bé có thể kéo dài 7 – 8 tiếng rồi mới dậy để đòi ăn. ban ngày bé có thể ngủ 2 – 3 giấc, mỗi giấc kéo dài 1,5 – 2h.

Nếu buổi tối bé đi ngủ sớm từ khoảng 19h thì sẽ thức dậy vào khoảng 2 giờ sáng để ăn một lần. Những em bé bắt đầu giấc ngủ ban đêm muộn hơn, tầm 21h có thể 5 – 6 giờ sáng mới dậy mà không cần thức dậy lúc nửa đêm để bú sữa nữa.

Sau 3 tháng tuổi, sang tháng thứ 4 này thì việc bé nhận được đủ lượng sữa vào ban ngày nên ban đêm ngủ thẳng một giấc dài không có nhu cầu dậy ăn sữa thì cũng hoàn toàn bình thường. Mẹ không cần đánh thức bé dậy để uống sữa nếu bé không tỉnh khóc vì đói, đòi ăn.

Biện pháp hỗ trợ phát triển vận động của trẻ 4 tháng tuổi

Hoạt động đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của bé trong giai đoạn này chính là lẫy. Sau khi bé cứng cổ, có thể quay cổ tốt thì bắt đầu lẫy. Có những em bé lẫy sớm bắt đầu từ tuần đầu tiên của tháng thứ 4 nhưng cũng có những em bé bắt đầu lẫy muộn hơn. Đa phần những em bé càng mũm mĩm thường khó khăn hơn, chậm hơn trong việc vận động so với những em bé nhỏ nhắn.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi (2)


Phần đầu của bé nặng hơn cho nên khi tập lẫy bé sẽ lật được mông, chân trước sau đó có thể mất cả tuần sau mới lật được phần thân trên. Để hỗ trợ cho con thì mẹ cho bé nằm bụng và để đồ chơi trước mặt bé trong khoảng tầm với của con. Khi đó em bé sẽ chủ động chống tay xuống giường để nhìn hoặc với lấy món đồ. Đó là cách để hỗ trợ cho con khá hiệu quả.

Thêm nữa, mẹ hãy massage tay chân cho con hàng ngày để làm săn chắc cơ, chắc khỏe, các khớp hoạt động linh hoạt cũng sẽ hỗ trợ cho em bé trong vận động.

Lúc này bé bắt đầu cứng cổ rồi thì mẹ có thể bế vác được, tay đỡ lấy cổ bé.

Hỗ trợ phát triển trí não của bé 4 tháng tuổi

Giai đoạn 4 tháng tuổi trẻ cũng phát triển rất nhanh về mặt trí não - nhận thức. Bé nhận diện tốt về âm thanh và đã có thể thể hiện những cảm xúc của mình. Khi nghe thấy tiếng nói bé sẽ quay đầu về hướng phát ra âm thanh và đã có thể biểu hiện cảm xúc thích thú, cười, ê a đáp lại.

Để hỗ trợ con trong giai đoạn phát triển này:

- Sử dụng những đồ chơi nhiều màu sắc để phát triển thị giác của con như ở giai đoạn 3 tháng tuổi. Đồ chơi có âm thanh như trống, xúc xắc…

Xem thêm: Lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi

- Trực tiếp trò chuyện với con hàng ngày. Dành ít nhất 1 tiếng mỗi ngày để tương tác, giao tiếp trực tiếp với bé (ôm ấp, trò chuyện…). Mẹ không cần lo lắng đến vấn đề giọng mình không hay, không chuẩn… và luôn nhớ rằng âm thanh từ đài, ti vi, điện thoại hay việc cho bé bổ sung thêm các thực phẩm chức năng để phát triển trí não thì cũng không tác động nhiều đến bé bằng tiếng nói trực tiếp của mẹ, của mọi người với bé.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi

- Bé có thể chảy nhiều nước miếng khi mọc răng sớm ngay ở giai đoạn 4 tháng. Kèm theo đó là hiện tượng đi tiêu nhiều hơn, phân lỏng, phân xanh hoặc phân có nhầy thì mẹ cũng không cần quá lo lắng (phân biệt với tiêu chảy).

- Việc bé thích nghịch bàn tay, thích đưa tay và các thứ đồ khác vào trong miệng ở giai đoạn này nằm trong chu trình phát triển bình thường của em bé (bé muốn khám phá bàn tay và các đồ vật xung quanh mình). Mẹ chỉ cần lưu ý vệ sinh tay cho bé, chọn các loại đồ chơi có kích thước phù hợp và đảm bảo an toàn (không quá nhỏ, không sắc nhọn…) để em bé không bị hóc, xây xước miệng hay tổn thương nào khác. Không nhất thiết phải bắt bé cai ngậm ngón tay vì sang giai đoạn 6 tháng tuổi bé hứng thú với nhiều điều mới lạ sẽ tự động bỏ ngậm ngón tay.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi (3)


- Giai đoạn biếng ăn sinh lý đầu tiên: vào khoảng 2 tuần cuối của tháng thứ 4 thì bé có thể bị biếng ăn sinh lý, chán bú và không chịu ngủ. Có tới khoảng 70% em bé gặp phải tình trạng đó trong thời gian này, gọi là giai đoạn biếng ăn sinh lý đầu tiên.
Mẹ sẽ thấy bé đang ăn ngủ rất đều bỗng nhiên sức ăn giảm còn ½ hoặc 2/3 so với giai đoạn trước đó, bú chỉ được một chút rồi lại nhả ra, ngủ không theo giấc, hay trằn trọc về đêm.

Đó là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường trong chu trình phát triển của con, không phải là do bé thiếu chất gì hay mắc bệnh gì nên việc mẹ tìm đến các loại thuốc cho bé sử dụng sẽ không hiệu quả và không cần thiết trong giai đoạn này.

- Những em bé không được bổ sung vitamin D sớm thì trong giai đoạn tháng thứ 3, thứ 4 này sẽ biểu hiện rõ rệt thiếu vitamin D nên có thể dẫn đến khó ngủ, quấy khóc về đêm.

- 3 tháng đầu đời bé sẽ tăng cân đều và tăng rất nhanh nhưng đến tháng thứ 4 thì sẽ tăng cân chậm hẳn. Thứ nhất là do năng lượng của bé lúc này tập trung vào phát triển các kỹ năng như lẫy. Thứ hai là do bé bước vào giai đoạn biếng ăn sinh lý.
Nên mẹ không cần quá căng thẳng, lo lắng nếu thấy bé không tăng cân.

Cách khắc phục tình trạng biếng ăn sinh lý của bé

- Cân đối lại lượng sữa, giảm xuống còn khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày.
- Nương theo tính cách, mong muốn của con để cho con ăn: Tìm nơi yên tĩnh cho bé bú hoặc chỉ cho bé bú được lúc bé thiu thiu ngủ, không ép bé ăn…
- Nếu bé đi tiểu từ 6 lần/ngày thì lượng sữa bé ăn được là đủ cho bé, không cần quá ép bé bú thêm nhiều trong giai đoạn này. Nếu bé đi tiểu dưới 6 lần/ngày thì cần tìm thêm cách để cho bé bú sữa được nhiều hơn.
- Nếu bé khó ngủ về đêm thì cũng không nên bắt bé thức nhiều vào ban ngày. Khi không được ngủ đủ vào ban ngày bé càng dễ cáu gắt, khó đi vào giấc ngủ ban đêm.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi (4)


- Thư giãn nhẹ nhàng cho bé: tắm cho bé trước khi ngủ, massge, đọc truyện, hát cho bé trước khi ngủ. Tránh những hoạt động giao lưu trực tiếp bằng mắt, nô đùa nhiều với bé trước khi ngủ sẽ khiến bé hưng phấn và không chịu ngủ giấc đêm.

Những biện pháp trên sẽ cải thiện tình trạng bé biếng ăn khó ngủ trong giai đoạn này và sau khoảng 2 – 3 tuần sẽ tự hết. Nếu quá khó khăn trong việc ăn ngủ, mẹ lo lắng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con thì mẹ có thể sử dụng một số thực phẩm chức năng có thành phần sữa non sẽ kích thích giấc ngủ của bé. Đây là biện pháp tạm thời, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết và có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu trong giới hạn vẫn có thể chấp nhận được thì không nên dùng thuốc, không coi đó là một loại thuốc bổ không hề tốt cho con, có thể khiến em bé bị phụ thuộc vào thuốc.

- Ở giai đoạn này tuyệt đối không cho bé ăn dặm vì sợ bé không chịu bú sẽ đói, đêm quấy khóc vì thời điểm này cho bé ăn dặm là quá sớm, hệ tiêu hóa chưa có các enzym tiêu hóa, gây hại cho đường tiêu hóa, gây những nguy cơ bệnh lý về sau mà có khi đến tuổi trưởng thành mới biểu hiện như tiểu đường, tăng huyết áp…

*

Đăng ký nhận tin: