0916.434.429 - 0996.161.686
Cùng Con Phát Triển

Sự phát triển của trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng tuổi mẹ nên biết

Sự phát triển của trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng tuổi mẹ nên biết
Sự phát triển của trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng tuổi mẹ nên biết
Mẹ nên nhận biết quá trình phát triển của trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng tuổi để có phương pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời đến sự phát triển của bé một cách tốt nhất.

Trẻ sơ sinh 0 – 1 tháng tuổi: Ăn ngủ là chính

Hoạt động của trẻ sơ sinh ở tháng đầu tiên khá sơ khai, nhẹ nhàng. Trẻ dưới 1 tháng tuổi chỉ có nhu cầu ăn, ngủ, đi tiêu, đi tiểu. Hầu như em bé dành cả ngày để ngủ, chỉ khi đói thì dậy đòi ăn. Các giao tiếp bằng giác quan của em bé với bên ngoài còn hạn chế, hoạt động kém. Ví dụ mắt mới chỉ nhìn được độ xa 20 – 30cm và chưa nhìn rõ nên chưa giao tiếp được nhiều bằng mắt với mọi người xung quanh.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng tuổi mẹ nên biết (1)


Lúc này em bé nhận biết mẹ hoàn toàn thông qua cảm giác và khứu giác. Đã có khả năng cảm nhận âm thanh nhưng chỉ ở mức nhận biết âm thanh nhỏ và âm thanh lớn. Hai tay của bé thường nắm lại. Đây là một phản xạ nguyên phát của trẻ sơ sinh, biểu hiện bé đang tìm kiếm sự an toàn và mẹ có thể đưa tay cho bé nắm để bé an tâm. Hoạt động bú sữa lúc này hoàn toàn là phản xạ bản năng.

Tháng thứ 2: Hóng chuyện

Vẫn là những hoạt động này nhưng thành thục hơn, mắt bé đã nhìn rõ hơn, nhạy cảm hơn với tiếng động nên bé thường phát ra những âm thanh ê a để phản ứng lại tiếng động bên ngoài (giống như đang hóng chuyện). Hoạt động bú sữa của bé lúc này thành thạo, lanh lợi hơn nhiều, mẹ chỉ cần đưa bầu sữa đến gần và em bé ngửi thấy mùi sữa là há miệng ra để đón.

Lúc này cơ cổ em bé bắt đầu cứng, khi em bé nằm úp thì có thể hơi ngỏng cổ lên được trong vài giây, khi em bé nằm ngửa thì có thể xoay đầu hướng sang hai bên, biên độ không lớn. Tay bé cũng cứng cáp và hoạt động tốt hơn so với tháng đầu tiên.

Bé cao khoảng 2,5cm mỗi tháng và tăng khoảng 142 – 198g mỗi tuần.

Tháng thứ 3: Phân biệt người lạ người quen - Tập lẫy – Dõi nhìn

Lúc này em bé đã được nhìn rõ hơn và có thể dõi nhìn với tốc độ chậm. Ví dụ mẹ cầm đồ chơi đưa từ trái sang phải trước mặt bé với tốc độ chậm thì em bé 3 tháng phát triển bình thường phải nhìn theo được rồi.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng tuổi mẹ nên biết (2)


Em bé bắt đầu nhận diện được khuôn mặt, ghi nhớ được giọng nói nên có thể nhận diện được những người thân thường xuyên ở bên cạnh chăm sóc mình. Một số em bé lạnh lợi hơn thì bắt đầu biết phân biệt người lạ nên không thích có người lạ bế.

Chính vì khả năng nhận diện bằng các giác quan tốt hơn nên đây cũng là thời gian nhiều em bé thể hiện sự khó tính của mình và bắt đầu bám mẹ hơn.

Bé hoạt động khỏe hơn, các hoạt động như là ngẩng đầu, chống tay khi nằm úp duy trì được trong thời gian lâu hơn nên em bé bắt đầu tập lẫy.

Bé tăng khoảng 113g/tuần, 907g/tháng.

Tháng thứ 4: Lẫy tốt - Khám phá mọi thứ xung quanh

Bé tiếp tục phát triển các giác quan, thể hiện nhiều cảm xúc, nhận diện rõ người thân và bắt đầu hướng động. Tức là bé phản ứng với âm thanh, có thể hướng cổ và nhìn về phía phát ra tiếng động. Việc giao tiếp bằng ngôn ngữ của bé đã phát triển hơn nhiều so với thời kỳ mới biết bắt đầu ê a. Biểu hiện rõ nhất là bé thích ở gần mẹ, thích nói chuyện với mẹ.

Khám phá tay và mọi thứ xung quanh: bé tự nghich các ngón tay của mình, nghịch đồ chơi và đưa vào miệng mút.

Bé đã lẫy được, có thể giữ cổ tốt mà không cần phải hỗ trợ.

Tháng thứ 5: Biểu hiện cảm xúc phong phú

Mọi hoạt động nhìn, nghe, vận động của bé đều phát triển hơn. Về mặt cảm xúc cũng phong phú hơn, có cả những biểu hiện giận dỗi, khó chịu, không vui, không ưng ý.

Lẫy trơn tru, úp người rồi lật ngược trở lại, lăn vòng tròn. Thế nên mẹ cần có sự chú ý trông nom bé cẩn thận hơn để tránh bé bị ngã từ trên giường xuống.

Cân nặng gấp đôi lúc chào đời.

Tháng thứ 6: Trườn bò – Tập ngồi – Giơ tay

Nhận biết của bé giống như ở 5 tháng tuổi nhưng các hoạt động thuần thục hơn, cảm xúc thể hiện rõ hơn và gay gắt hơn. Bé 5 tháng tuổi có thể không vui khi người lạ bế thì bé 6 tháng tuổi còn khóc, lo lắng, không cho người lạ bế ngay.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh từ 0 - 6 tháng tuổi mẹ nên biết (3)


Một số em bé đã ngồi được khi có sự hỗ trợ. Đa phần các bé từ tư thế úp sấp thì biết trườn bò và chống tay nhổm người, nửa ngồi nửa bò để bắt đầu học ngồi. Ở giai đoạn này có bé phát triển sớm nhưng có bé phát triển muộn. Có bé từ trườn chuyển sang bò trước, có bé thì từ ngồi rồi mới chuyển sang trạng thái bò. Điều này tùy thuộc từng em bé chứ không nhất định phải bò trước hay ngồi trước mới đúng.

Biết giơ tay với và đòi theo những phương hướng mà bé muốn. Có thể cầm, với được bình sữa. Mẹ nên tham khảo bài viết Bình Sữa Cho Trẻ Sơ Sinh Loại Nào Tốt Nhất Hiện Nay? để chọn cho con bình sữa mà bé có thể cầm nắm chắc gọn.

Cao thêm 1,27cm mỗi tháng và tăng 85 – 142g/tuần.

Những biểu hiện bé phát triển bất thường

Đây là các mốc phát triển trung bình của trẻ sơ sinh từ 0 – 6 tháng tuổi. Có bé sớm hơn, có bé muộn hơn. Nếu lo bé phát triển không bình thường, mẹ chỉ nên đưa bé đi thăm khám bác sĩ nếu theo dõi thấy bé có một số vấn đề như sau:

- Bé không phản ứng với tiếng động một cách nhất quán, không phản ứng với tiếng động. Ở từng tháng tuổi khả năng đáp lại tiếng động của bé phải là: 1 tháng phản ứng với tiếng động mạnh, 2 tháng tuổi phản ứng tốt hơn, 4 – 5 tháng tuổi phải biết ngoái đầu nhìn về hướng tiếng động, tiếng gọi của mẹ. Đến 6 tháng tuổi mà chưa thấy bé có phản ứng hướng động này thì mẹ nên đưa bé đi kiểm tra.

- 5 – 6 tháng tuổi mà bé không nhìn đồ vật trước mắt, mắt không di chuyển theo.

- Không tương tác với mẹ: không ê a nói chuyện hay giap tiếp bằng mắt với mẹ.

- Không hoạt động tay chân: có những em bé hộp sọ nặng, trọng lượng nặng nên lẫy chậm nhưng tay chân vẫn phải có sự hoạt động như là tự nghịch tay chân. Nếu bé không lẫy cũng không hoạt động tay chân được thăm khám ngay.

- Không hứng thú với môi trường xung quanh: không nhìn ngó, không hứng thú, chỉ nhìn vô đinh.

- Quấy khóc liên tục ảnh hưởng đến việc ăn ngủ, cân nặng của bé.

- 10 tháng tuổi chưa ngồi được.

- 1 tuổi vẫn chưa bám đứng được.

Trong giai đoạn dưới 6 tháng tuổi mẹ có thể hỗ trợ tốt nhất về khả năng ngôn ngữ của bé bằng cách hát ru, đọc truyện cho bé ngủ, trò chuyện nhiều với con, để tác động đến não, hình thành vùng ngôn ngữ, kích thích phát triển khả năng ngôn ngữ phong phú cho em bé.

Xem thêm: Bảng theo dõi chỉ số phát triển thai nhi từng tuần
 
*
Website: chuchubaby.vn


Đăng ký nhận tin: